Nuôi dưỡng văn hóa – “Lan tỏa” thay vì “Xếp hạng”

Cốt lõi của văn hoá là “tư tưởng”, “niềm tin” và văn hoá được phản ánh qua “hành động”, “tập quán”.

Nuôi dưỡng văn hoá nghĩa là nuôi dưỡng tư tưởng, niềm tin thông qua nuôi dưỡng các hành động, tập quán phản ánh, liên kết với những tư tưởng, niềm tin đó.

  • Tin => Làm. Niềm tin củng cố hành động.
  • Làm => Tin. Hành động củng cố niềm tin.

Một phương thức để nuôi dưỡng Văn hoá đơn giản là: Kịp thời phát hiện ra các hành động phù hợp và lan toả những câu chuyện về hành động đó.

Có thể chia 3 bước:

1/ “Phát hiện”: Làm thế nào để phát hiện và nắm bắt được những hành động phù hợp văn hoá của những cá nhân trong tổ chức? Kịp thời ghi nhận đầy đủ thông tin? 

2/ “Câu chuyện”: Những hành động đó có điểm gì đặc biệt, ý nghĩa gì đặc biệt với văn hoá? Chúng ta “học được” điều gì từ những hành động đó? Câu chuyện có đáng để lan toả không?

3/ “Lan toả”: Làm thế nào để lan toả câu chuyện đó đến với mọi người?

Điểm chết thường nằm ở bước 2.

Câu chuyện nếu không thực sự là câu chuyện thì việc lan toả sẽ trở nên vô nghĩa hoặc thậm chí làm yếu văn hoá. Các câu chuyện nếu thiếu tính “bối cảnh” thì không được xem là câu chuyện và thiếu thuyết phục.

Ví dụ:

Một ông dọn vệ sinh vào 10h đêm không có gì đặc biệt, nhưng ông dọn vệ sinh đó dắt theo đứa con 2 tuổi đi cùng thì lại thành một câu chuyện.

Một học sinh giỏi 12 năm không có gì đặc biệt, nhưng nhà lại rất nghèo, đi bộ 20km mỗi ngày lại là thành một câu chuyện.

Nếu bối cảnh của câu chuyện thực sự không có gì nổi bật thì tỉ lệ câu chuyện này không đáng để lan toả. 

Điều đáng nói là các nhà quản trị dễ bị nhầm lẫn giữa việc “nuôi dưỡng văn hoá” với việc “xếp hạng nhân viên”. Họ tập trung vào việc đặt ra các thang bậc xếp hạng về văn hoá thay vì lan toả các giá trị văn hoá.

Điều này khiến họ đặt trọng tâm vào “sự công bằng” thay vì tập trung vào những “câu chuyện”.

Họ quá tập trung vào câu hỏi: “Tại sao có người được vinh danh (có câu chuyện được lan toả) còn có người thì không?”

Giống như việc xem tivi thấy có cậu học sinh được tuyên dương vì vượt 20km đến trường và quay ra tự hỏi “Ơ sao hàng xóm tôi nó cũng đi học xa, thậm chí 25km mà nó không được tuyên dương?”.

Với văn hoá, vấn đề không nằm ở sự “công bằng” hay “xếp hạng”, vấn đề nằm ở sự “lan toả”.

Một người được vinh danh không có nghĩa họ xếp hạng cao hơn người không được vinh danh, một người không được vinh danh không có nghĩa là họ kém hơn người được vinh danh. Chỉ đơn giản là vì câu chuyện của họ được “phát hiện ra” và “đủ điều kiện” để lan toả. Nếu câu chuyện của bạn chưa được lan toả thì có thể vì ít người biết đến câu chuyện của bạn, hoặc nó chưa đủ đặc biệt.

Tất nhiên việc phát hiện là quan trọng và cần đầu tư (bước 1). Nhưng thực tế, không có cách nào có thể bao quát được hết cả một cộng đồng một cách tuyệt đối và “công bằng” được. Phải thừa nhận rằng, “công bằng” trong trường hợp là không tưởng. Mong đợi sự công bằng trong trường hợp này là vô nghĩa. Vẫn sẽ luôn có những câu chuyện hay nhưng không được ai biết đến.

Hãy lan toả những câu chuyện hay và những câu chuyện hay khác sẽ tự động được hé lộ.

Khi một kim loại được cộng nhận là quý, có giá trị. Mọi người sẽ để ý và trân trọng nó, và muốn sở hữu nó. Thay vì tìm cách xếp hạng xem ai sở hữu nhiều kim loại đó hơn, hãy lan toả câu chuyện về những người đang sở hữu kim loại quý đó và cách họ sử dụng chúng như thế nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *