09 tư duy nền tảng của năng lực đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo không phải là một bước mà là một quá trình, vì vậy trong quá trình đó chúng ta cần có những niềm tin nền tảng để dẫn dắt tư duy và hành động một cách nhất quán, tránh lan man “đẽo cày giữa đường”. Tư duy đổi mới sáng tạo là một bộ những niềm tin hữu ích để chúng ta bám vào trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo. Bộ tư duy này do tôi tự đúc rút trong quá trình làm việc và cố vấn của mình.

Tư duy #1: Không có tốt nhất chỉ có tốt hơn

Nếu bạn cho rằng một giải pháp nào đó đã là hoàn hảo rồi, điều đó sẽ cản trở bạn suy nghĩ và sáng tạo để tìm cách cải tiến nó hoặc tìm kiếm một giải pháp tốt hơn. Hiểu rằng “Không có giải pháp nào là tốt nhất” cũng khiến chúng ta vững tâm hơn mỗi khi xuất hiện một giải pháp tốt hơn giải pháp của chúng ta, giúp hành trình đổi mới sáng tạo của chúng ta trở nên thú vị thay vì áp lực và cạnh tranh.

Tư duy #2: Nghĩ thật lớn, bắt đầu thật nhỏ

Bạn có thể suy nghĩ về việc thay đổi thế giới, giống như Elon Musk, Bill Gate, Steve Jobs, việc này giúp bạn có một niềm cảm hứng tuyệt vời, dẫn lối cho những quyết định của bạn một cách nhất quán. Thế nhưng hãy nhớ rằng theo lẽ tự nhiên, điều gì càng lớn lao thì càng nhiều thời gian tích luỹ và khám phá. Có những công trình cần trải qua nhiều thế hệ mới có thể hoàn thành. Chúng ta sẽ khó có thể kỳ vọng sau một đêm chúng ta tạo ra một điều gì đó thay đổi thế giới. Hãy bắt đầu thật nhỏ, có thể đơn giản chỉ bằng việc trình bày ý tưởng ra một tờ giấy và đi nói chuyện với mọi người để có thêm góc nhìn mới.

Tư duy #3: Lấy con người làm trung tâm

Đổi mới sáng tạo là hành động tạo ra một điều gì đó mới mẻ (new) và có giá trị (valuable).

Chúng ta sẽ thấy đổi mới sáng tạo khác với sáng tạo nghệ thuật ở chỗ đổi mới sáng tạo cần mang lại giá trị thực tế, nghĩa là nó giúp cuộc sống của con người tốt hơn, giúp doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn. Mọi thứ được sáng tạo ra đều phục vụ cho nhu cầu của con người và vì thế cũng bị loại bỏ bởi con người. Vì vậy, trước khi bắt tay vào sáng tạo hãy tự hỏi bản thân rằng “mình đang cố gắng giải quyết vấn đề gì cho con người? Mình đang có gắng mang lại giá trị gì cho con người?”. Để có được những giải pháp chạm đúng “tim đen” của người dùng thì bạn cần học cách nhìn nhận vấn đề theo cách giàu “tính người” nhất. Hãy đặt mình vào vị trí của người dùng để đồng cảm với cảm xúc của họ, đồng cảm với nỗi đau cũng như niềm vui của họ.

Tư duy #4: Theo đuổi sự mơ hồ

Rất hiếm khi một ý tưởng nào đó sáng tỏ ngay ở lần đầu tiên. Apple trước khi sáng tạo ra iPhone đã từng nghĩ rằng việc làm một cái điện thoại không phải là ý tưởng tốt, thay vào đó họ đã nghiên cứu và chế tạo máy tính bảng.

“Thực ra ý tưởng làm nên được một chiếc iPhone hoàn chỉnh lại khá vòng vo và quanh co. Ban đầu, chúng tôi còn dự tính là chế tạo máy tính bảng cơ, không phải smartphone.”

– Giám đốc quản lý iOS của Apple Scott Forstall –

Chính sự mơ hồ thúc đẩy chúng ta sáng tạo ra thêm những ý tưởng mới, theo đuổi những khả năng khác nhau. Và tất nhiên chúng ta sẽ không có được câu trả lời nếu không bắt tay vào hành động để phá bỏ dần sự mơ hồ đó cho đến khi mọi thứ được sáng tỏ. Chúng ta phải chấp nhận rằng, rất có thể ý tưởng của chúng ta vô dụng, điều quan trọng hơn là mỗi khi chúng ta thử nghiệm thì một lớp sương mù lại được hoá giải và chúng ta lại nhìn sự vật sự việc một cách rõ ràng hơn.

Tư duy #5: Học hỏi liên tục từ thất bại

Ý tưởng chỉ là ý tưởng nếu nó chỉ dựa trên lý thuyết và tưởng tượng. Việc đưa ý tưởng vào thực tế sẽ giúp chúng ta kiểm chứng tính khả thi của ý tưởng, từ đó làm tiết lộ những điều mà chỉ lý thuyết hay tưởng tượng không thôi sẽ không bao giờ khám phá ra được. Việc tìm ra những gì không hiệu quả cũng là một phần của quá trình tìm ra giải pháp đúng. Chính vì như vậy, chúng ta cần lắng nghe, suy nghĩ và tinh chỉnh liên tục dựa trên phản hồi từ thực tế. Tạo ra những vòng lặp để học hỏi liên tục từ thực tế.

Trước khi sáng tạo ra bóng đèn, Edison đã hơn 10.000 đối mặt với sự mơ hồ để rồi làm mọi thứ sáng tỏ và chiếc bóng đèn đầu tiên ra đời. Với ông, mỗi một lần sai là một cơ hội để ông học hỏi.

“Tôi không thất bại, tôi chỉ vừa tìm ra 10.000 cách không hiệu quả mà thôi.”

– Edison –

Có thể nói, thất bại là một phần cố hữu trong quá trình đổi mới sáng tạo, quan trọng là chúng ta học được gì từ thất bại và chúng ta học nhanh đến đâu. Chúng ta tạo ra giải pháp đúng là bởi vì trước đó chúng ta đã sai và học được từ những lầm sai đó.

Tư duy #6: Ý tưởng đến từ sự đa dạng

Một ý tưởng tốt thường là sự tổng hoà của rất nhiều loại hiểu biết khác nhau về nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như là sự va đập của hàng loạt những quan điểm khác nhau. Trong nhiều trường hợp những ý tưởng hay ho nhất lại không đến từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà lại đến từ một người chả biết gì về lĩnh vực đó với những suy nghĩ rất đơn giản.

Có một câu chuyện vui, khi đội ngũ lãnh đạo của một công ty nọ đang đau đầu vắt óc chưa nghĩ ra cách làm thế nào để tăng doanh thu của sản phẩm kem đánh răng thì một nhân viên dọn dẹp nhanh chóng đưa ra một ý tưởng đó là “Hãy mở rộng miệng của tuýp kem đánh răng”. Ý tưởng này nghe rất đơn giản nhưng đã làm doanh thu của công ty đó tăng 40%.

Vì vậy, để có những ý tưởng tốt hãy cố gắng có càng đa dạng góc nhìn càng tốt, đội ngũ sáng tạo nên là một nhóm có đa dạng kỹ năng, chuyên môn cùng cộng tác với nhau, thậm chí chúng ta có thể mời chính khách hàng tham gia vào quá trình sáng tạo.

Tư duy #7: Câu hỏi đúng quan trọng hơn lời giải

Mọi lời giải đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu đặt sai vấn đề. Một nhà thiết kế tên là Yauner đã sáng chế ra các sản phẩm rất hay ho như sau:

  • Một chiếc son môi dài gần 1 mét để các chị em phụ nữ có thể dùng thoả thích mà không sợ hết son
  • Một chiếc đồng hồ có thể cho bạn biết thời gian chính xác đến từng tích tắc, nó chính xác đến mức mắt người không theo kịp và cần được gắn thêm 1 camera để đảm bảo bạn có thể xem được thời gian chính xác của mấy tích tắc đã trôi qua
  • Một máy nướng bánh có khả năng bật bánh cao tới 5 mét

Khi được hỏi điều gì khiến anh có cảm hứng tạo ra những sản phẩm này, Yauner trả lời, “Bởi vì tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng, chúng ta có thể làm điều gì đó không có nghĩa là chúng ta nên làm điều đó”. Trước quyết định đổi mới sáng tạo một điều gì đó, hãy tìm hiểu thật kỹ để tìm ra một lí do đáng để đầu tư thời gian, công sức và sự sáng tạo của mình.

Tư duy #8: Phá bỏ các giới hạn

Một lỗi thường gặp khi sáng tạo đó là chúng ta hay đặt ra những tiêu chí, rằng buộc trước khi đưa ra ý tưởng. Điều này có thể giúp chúng ta nhanh chóng có ý tưởng hoặc sớm ra quyết định nhưng nó lại hạn chế sự sáng tạo của chúng ta.

Giả sử bạn đang cố gắng tạo ra một chiếc điện thoại tạo ra sự đột phá giống kiểu như iPhone của Apple, và bạn đặt ra các tiêu chí là: Phải mỏng, phải hình chữ nhật, phải cảm ứng, vỏ bằng nhôm, … Chính những tiêu chí sẽ đã cắt gọt đi phần lớn sự sáng tạo của bạn.

Để sự sáng tạo được thoải mái phát huy, hãy thử đặt câu hỏi “Sẽ thế nào nếu như mọi thứ đều sẵn sàng?”, “Sẽ thế nào nếu như không có bất kỳ một rằng buộc nào?”, “What if anything else is possible?”.

Tư duy #9: Tự tin sáng tạo

Có thể nói đây là tư duy nền tảng nhất, nó quyết định bạn có theo đuổi sự sáng tạo hay không.

Theo David Kelly, founder của công ty thiết kế hàng đầu thế giới IDEO, tự tin sáng tạo có nghĩa là bạn có ý tưởng lớn và có khả năng thực hiện ý tưởng đó của mình. Sáng tạo thường khiến mọi người liên tưởng đến hoạt động nghệ thuật, và thường chỉ có những người hoạt động nghệ thuật như hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ mới có khả năng và cần sáng tạo hằng ngày trong công việc của họ. Nhưng việc sáng tạo hoàn toàn là bản năng của con người, bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo, tiếp cận thế giới giống như một nhà thiết kế, nhà sáng chế.

Tự tin sáng tạo là niềm tin rằng, bạn có thể và sẽ đưa ra được giải pháp sáng tạo cho vấn đề mà mình muốn giải quyết, và tự tin rằng, tất cả những gì bạn cần là sắn tay áo lên và bắt đầu. Tự tin sáng tạo thúc đẩy bạn tạo ra mọi thứ, thử nghiệm chúng, kể cả phạm sai lầm và tiếp tục phát triển ý tưởng của mình. Hãy bắt đầu với những thành công nhỏ, từ đó dần dần xây dựng những thành công lớn hơn, khi đó sự tự tin của bạn sẽ tăng lên, chẳng bao lâu sẽ thấy rằng mình cũng là một người cực kỳ sáng tạo.


Sẽ rất khó cho tôi để có thể giải thích tường tận từng tư duy này chỉ thông qua bài viết này. Hi vọng chúng ta có duyên gặp gỡ để trò chuyện và thảo luận thêm, tôi cũng rất muốn lắng nghe quan điểm và góc nhìn của các bạn.

Hãy bắt đầu hành trình đổi mới sáng tạo của mình và cùng chiêm nghiệm nhé.

(Bài viết cũng được đăng trên designthinking.hocvienagile.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *