Lý thuyết OKRs không có nhiều, bạn có thể đọc vài ba cuốn sách, một hai khoá học là hết.
Tuy nhiên, chính vì lý thuyết đơn giản nên cách áp dụng lại đa dạng vô cùng. 10/10 người tôi gặp khi áp dụng OKRs lần đầu tiên đều cảm thấy “bối rối” (confused) (bao gồm cả tôi).
Hiện nay có nhiều đơn vị đào tạo OKRs, nhiều sách viết về OKRs, trong số đó nhiều bên chủ yếu tập trung nhiều vào “thực hành” mà rất ít (hoặc bỏ qua) phần nguyên lý, nghĩa là cung cấp cho chúng ta các quy trình, kỹ thuật, biểu mẫu, .., nhưng lại chẳng mấy khi nói rõ ý nghĩa thực sự của chúng. Nghe thì có vẻ rất hay, rất hút, nhưng thực tế tính áp dụng lại không cao. Khi học nghe thì thấy “tâm đắc” quá, mà đến khi áp vào tổ chức thì cứ thấy nó “khoai khoai” thế nào, có khi vừa ngon được chỗ này lại lòi vấn đề chỗ kia!
Thực ra là các đơn vị đào tạo họ cũng đang cố gắng thoả mãn chúng ta mà thôi, chẳng phải đa số chúng ta đều thích “mì ăn liền” hay sao? “thực chiến”, “áp dụng ngay” là những từ khoá chúng ta lục tìm.
Việc này có khác gì việc chúng ta đi mượn bản vẽ thiết kế nhà của người khác để về thi công cho nhà mình. “Râu ông này cắm cằm bà kia”!
Bối cảnh của mỗi doanh nghiệp/tổ chức hầu hết đều khác nhau tương đối nhiều. Từ hiểu biết của lãnh đạo, cho đến mô hình kinh doanh, rồi quy mô, lĩnh vực, … tỉ thứ khác nhau. Bởi vì như vậy, dù là OKRs hay là cái gì gì đi nữa thì khi áp dụng vào doanh nghiệp cũng cần xem xét đến sự “tương hợp”. Mọi thứ đều có thể tuỳ biến cho phù hợp, chỉ có triết lý cốt lõi thì cần hiểu đúng, cần giữ gìn, cần nuôi dưỡng. Khi tuỳ biến thì nhất quyết phải tự kiểm tra lại xem có bị xung đột gì với triết lý cốt lõi hay không.
Thế nên, trước nhất chúng ta cần nắm được các nguyên lý, các triết lý cốt lõi đã. Chỉ khi nắm được thì chúng ta mới tự tin ứng dụng các công cụ, kỹ thuật mà không lo bị “ngộ độc”.
Dưới đây là 8 nguyên lý đi kèm với 17 từ khoá then chốt dựa trên sự kế thừa tư tưởng của cha đẻ của OKRs (Andy Grove) cùng với sự chiêm nghiệm của cá nhân tôi:
- Quản trị dựa trên kết quả (Outcome-driven) và trao quyền tự chủ (Ownership) cho các nhóm
- Tập trung (Focus) và Cam kết (Commit) với các ưu tiên đã được thảo luận kĩ và đồng thuận đa chiều (Transparent and Co-create)
- Đồng bộ và Kết nối các hoạt động và nguồn lực (Alignment)
- Theo dõi (Track), thanh tra (Inspect) để đảm bảo trách nhiệm giải trình (Accountability) và khả năng linh hoạt thích nghi (Adapt)
- Kéo dãn (Stretch) để tạo ra kết quả không ngờ đến
- Duy trì liên tục nhịp điệu (Cadences) với các quy trình đơn giản (Lightweight process)
- Tách bạch với lương thưởng (Decoupling from rewards)
- Có ý nghĩa (Meaningful) trọng yếu với tổ chức và hướng tới giá trị cho nhiều bên (Win-win)
Khi đã nắm rõ các nguyên lý, chúng ta sẽ có một “chỗ dựa” vững chắc để mỗi khi tiếp cận với một “thực hành” mới thì chúng ta biết cách dùng chúng thế nào để “không sai”. Còn để biết chúng có thực sự “đúng” và phù hợp với tổ chức của chúng ta không thì cần xét đến cả những yếu tố sau:
- Ngành nghề, lĩnh vực
- Cơ cấu tổ chức
- Văn hoá doanh nghiệp
- Phong cách lãnh đạo
- Năng lực đội ngũ
- Các quy trình, quy định
- v.v.
Những yếu tố này khó mà có thể “phán” ngay mà sẽ cần có sự rà soát, phản tư sâu sắc của các cấp lãnh đạo. Tất nhiên việc này không dễ, nó sẽ suôn sẻ hơn nếu có sự đồng hành của những chuyên gia. Lưu ý quan trọng, chuyên gia ở đây không phải một người chỉ có hiểu biết về OKRs, mà là một người có năng lực bao quát về quản trị tổ chức và OKRs chỉ là một phần bên trong đó.
Áp dụng OKRs là một hành trình của sự thay đổi toàn diện, tổ chức của bạn chỉ có thể tận dụng tối đa giá trị của OKRs khi các nguyên lý của OKRs hoà hợp với từng ngóc ngách bên trong tổ chức của bạn.