Google không phải lúc nào cũng đánh giá cao vai trò Quản lý. Vào năm 2002, Google đã thử nghiệm việc loại bỏ vai trò Quản lý ra khỏi cơ cấu tổ chức, tuy nhiên thử nghiệm đã không như mong đợi.
Tiếp đó, đến năm 2008 một nhóm các nhà nghiên cứu được thành lập để chứng minh sự nghi ngờ của Google về việc “Vai trò Quản lý có thực sự cần thiết”, họ cố gắng chứng minh rằng vai trò Quản Lý không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của nhóm. Giả thiết này dựa trên niềm tin của một số nhà lãnh đạo và kỹ sư của Google, họ cho rằng các Quản lý là “kẻ xấu” và là một tầng lớp quan liêu.
Nhưng rất nhanh chóng họ khám phá ra một điều hoàn toàn ngược lại so với giả thiết ban đầu, đó là: “Vai trò Quản lý thực sự rất quan trọng”. Những nỗ lực nghiên cứu sau đó được gọi tên chính thức là dự án Project Oxygen, mục đích của dự án nghiên cứu là tìm ra “Điều gì tạo nên một nhà quản lý tuyệt vời?”.
Nhóm nghiên cứu xác định chất lượng của nhà quản lý dựa trên 02 thước đo định lượng:
- Xếp hạng hiệu suất của nhà quản lý (Manager performance ratings)
- Phản hồi của nhà quản lý từ cuộc khảo sát nhân viên hằng năm (Manager feedback from Google’s annual employee survey)
Những dữ liệu tiết lộ rằng các nhà quản lý thực sự quan trọng: những team với những nhà quản lý tuyệt vời thì sẽ hạnh phúc và năng suất hơn.
Tuy nhiên đó mới được nửa chặng đường, nhóm nghiên cứu tiếp tục phỏng vấn những nhân viên dựa trên những ý kiến mà họ đã đưa ra trong khảo sát hằng năm.
Sau khi tổng hợp thông tin, nhóm nghiên cứu tìm ra 8 hành vi phổ biến ở những nhà quản lý có điểm số cao. Nhóm cũng tổ chức những cuộc phỏng vấn với nhóm các nhà quản lý tệ nhất để tìm ra các ví dụ minh hoạ về những gì hai nhóm này đang làm khác nhau.
Cho đến này, Google vẫn tiếp tục cập nhật và củng cố thêm những nghiên cứu của mình. Danh sách mà tôi liệt kê phía dưới là danh sách đã được sửa đổi và bổ sung vào năm 2018 (trong đó hành vi số 3 và 6 đã được điều chỉnh, số 9 và 10 đã được bổ sung).
Dưới đây là 10 hành vi của những Nhà quản lý tốt nhất tại Google:
- Là một nhà huấn luyện và khai vấn giỏi
- Giao quyền cho nhóm và không quản lý tiểu tiết
- Tạo ra một môi trường hoà nhập, thể hiện sự quan tâm đến thành công và hạnh phúc của nhóm
- Có hiệu suất cao và hướng đến kết quả
- Một người giao tiếp tốt, có khả năng lắng nghe và truyền đạt thông tin
- Hỗ trợ nhóm phát triển nghề nghiệp và thảo luận về hiệu suất
- Có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng cho nhóm
- Có các kỹ năng kỹ thuật chủ chốt để cho nhóm lời khuyên
- Cộng tác trên phạm vi toàn công ty
- Là một người có khả năng ra quyết định
—
Dựa trên kinh nghiệm của cá nhân tôi thì tôi cho rằng đây là một nghiên cứu quan trọng và rất đáng để học hỏi và kế thừa. Mặc dù nghiên cứu này chưa chỉ rõ cho chúng ta biết phải làm gì, tuy nhiên đây có thể là những gợi ý để chúng ta tự rà soát công việc quản lý của mình cũng như trạng thái của đội nhóm.