Trong cuộc đời mỗi người, ngoài những năng lực tự nhiên sẵn có thì mỗi người trong quá trình sống đều học hỏi một cách vô thức hoặc ý thức thêm hàng trăm kỹ năng, năng lực mới. Tất cả các kỹ năng, năng lực đó đều trải qua cả 4 giai đoạn này. Nhìn nhận và hiểu cả 4 giai đoạn này có thể giúp bản thân chúng ta học hỏi nhanh hơn, hiệu quả hơn, bên cạnh đó cũng giúp chúng ta sẽ có cách đào tạo, truyền đạt cho người khác tốt hơn.
Giai đoạn #1: Chúng ta không biết những gì chúng ta không biết! (Bất lực vô thức)
Giai đoạn đầu tiên là khi chúng ta thậm chí không nhận thức được là chúng ta đang không biết một điều gì đó. Chúng ta chưa từng nghe hoặc chưa từng nghĩ đến những điều đó, hoặc có nghe đến nhưng nghĩ rằng “bullshit!”, không quan trọng, không quan tâm.
Ví dụ trong khía cạnh bán hàng: Anh A nghĩ rằng chỉ có duy nhất một cách để bán hàng (không biết rằng có cách khác hiệu quả hơn), vì vậy khi doanh số không đạt anh ấy nghĩ ngay rằng vấn đề chỉ nằm ở khách hàng hoặc sản phẩm mà không phải do cách anh ấy bán hàng.
Giai đoạn #2: Thừa nhận là chúng ta không biết (Bất lực có ý thức)
Giai đoạn hai là khi chúng ta thừa nhận rằng mình không biết, thừa nhận rằng còn một cách khác tốt hơn. Những nhận thức này tạo cho chúng ta động lực để học hỏi điều mới. Nhưng chúng ta lại chưa biết phải làm như thế nào.
Ví dụ đời thường: Anh B quen một người bạn của mình hát rất hay, biết rằng việc hát hay có rất nhiều lợi thế, lợi ích trong cuộc sống, anh rất thích, rất máu, nhưng anh không biết phải làm thế nào để mình có thể hát hay được như vậy.
Giai đoạn #3: Lóng ngóng, ngượng ngùng, không thoải mái (Năng lực có ý thức)
Giai đoạn ba là khi chúng ta biết mình cần làm gì, biết phải làm như thế nào (về mặt lý thuyết) nhưng khi chúng ta bắt tay vào làm thì rất ngượng ngùng, cảm thấy không thoải mái.
Điều đặc biệt là, phần lớn mọi người đều bỏ cuộc ở giai đoạn này và trở về với những cách làm cũ, thói quen cũ.
Ví dụ về việc ngủ sớm, dậy sớm: Ai cũng biết rằng ngủ sớm dậy sớm có lợi cho sức khoẻ, trên sách báo, tivi cũng nói nhiều về việc này, cũng có rất nhiều “công thức” về việc ngủ sớm dậy sớm thế nào cho đúng. “Những người thành công” hoặc “câu chuyện thành công” phần lớn đều nói rằng ngủ sớm dậy sớm tăng tỉ lệ thành công… Tuy nhiên sau vài ngày thử “công thức” thì cơ thể “chống đối”, đình công và chúng ta lại quay về thói quen cũ.
Giai đoạn #4: “Phần mềm đã được cài đặt” (Năng lực vô thức)
Giai đoạn cuối cùng là khi chúng ta kiên trì, luyện tập, luyện tập, luyện tập ở giai đoạn ba, khi ấy chúng ta sẽ đạt được “năng lực vô thức”.
Chúng ta hành động một cách hoàn toàn tự nhiên, không cần nghĩ ngợi, mọi thứ hoạt động một cách hoàn hảo.
Thường thì sẽ rất khó để có thể dạy lại cho một ai đó kỹ năng này vì nó đã là vô thức. Để dạy ai đó, cần đưa họ về giai đoạn ba.
Ví dụ về việc lái xe: Khi đã lái xe như một thói quen thì chúng ta gần như không phải suy nghĩ gì, có thể vừa đi vừa nghe điện thoại, hát, nghe nhạc… (chỉ là ví dụ không khuyến khích nha).
—
Mô hình này giúp chúng ta nhận thức được bản thân mình đang nằm ở giai đoạn này để có chiến lược phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, nó cũng giúp những nhà quản lý có một góc nhìn tương đối rõ ràng để đánh giá năng lực của nhân viên, từ đó có những kế hoạch nâng cao năng lực phù hợp với từng người.