Hiệu ứng Dunning Kruger – Có chắc là mình “đủ giỏi”?

Trước hết, để tôi kể với các bạn một chút về hành trình sự nghiệp của tôi để các bạn dễ dàng hình dung hơn nhé.

Tôi bản chất là một người ham học hỏi, thích quan sát, khám phá những điều mới mẻ. Khi còn ở độ tuổi 20, ngoài việc đào sâu vào lĩnh vực công nghệ tôi đã bắt đầu tự tìm hiểu và đi học rất nhiều những kiến thức liên quan, về quản lý, kinh doanh, bán hàng, … và nuôi một hoài bão khởi nghiệp, với tinh thần “Hãy đủ giỏi để không ai dám phớt lờ bạn”.

Khi ấy với vốn hiểu biết lúc đó, tôi được làm việc tại một công ty khởi nghiệp quy mô tầm 20 nhân sự, sau chừng 6 tháng tôi chính thức được lead một team chừng 6 người. Chưa ra trường, được giao trọng trách lead 1 team gần 10 người bao gồm cả lập trình viên, thiết kế, nội dung, … Sự tự tin tăng nhanh chóng, và đó cũng là bài học đầu tiên của tôi, 3 tháng sau, team nghỉ hết, đó là lúc tôi nhận ra kỹ năng lãnh đạo của mình quá tệ (hay nói cách khác là ở mức “zero”).

Rồi sau đó tôi đi làm ở một công ty khác với vai trò lập trình viên, với trải nghiệm đã có tôi khiêm tốn hơn, tôi làm việc chăm chỉ, luôn đặt câu hỏi dù là những câu hỏi ngu nhất để được học, và ngược lại cũng sẵn sàng chia sẻ những gì đã biết với đồng nghiệp. Mặc dù không có chức danh gì nhưng tôi luôn chủ động hô hào anh em cộng tác với nhau, điển hình vào thời điểm cách đây chừng 10 năm, tôi đã cùng anh em xây dựng codebase đồng bộ toàn công ty và triển khai sử dụng git để cộng tác – khi ấy vẫn đang học năm 2. Và điều gì đến cũng đến, tôi lại được sếp chủ động cất nhắc lên làm Leader, tăng lương. Một lần nữa được củng cố năng lực, tôi lại tự tin hơn. Lần này không có vấn đề gì về đội nhóm, nhưng tôi lại băn khoăn về lương.
Sau một thời gian làm việc tôi nghĩ rằng, lương tôi phải tầm này tầm kia, và không lâu sau khi công việc không còn hứng thú tôi quyết định tìm một môi trường mới.

Ngay lập tức tôi được mời làm việc tại một công ty có tiếng tăm trong lĩnh vực, sếp hơn tôi chừng hơn 15 tuổi. Tôi tiếp tục thăng tiến rất nhanh. Khi đó tôi cũng học nhiều hơn, học đủ thứ, tuần nào cũng chăm chỉ đi học. Càng học thì sự tự tin lại càng tăng, tôi tự đặt câu hỏi sao sếp không làm thế này nhỉ?, sao sếp không làm thế kia nhỉ?, phải thế này chứ, thế kia chứ…. Và tôi tự nhủ nếu là mình thì mình sẽ làm khác, “ngon” hơn.

Đến khi tôi bắt đầu khởi nghiệp thì sự tự tin đó vẫn rất cao, công ty tôi được rót vốn hơn 500K$. Tôi nhanh chóng thuê văn phòng, tuyển người với niềm tin cháy bỏng về sự thành công của mình. Rồi, “bùm”, hết vốn, cạn tiền, và đó là lúc tôi thực sự nhận thức được mình còn quá “ngu”, tôi rơi vào trạng thái “sốc” một thời gian – đó thực sự là lúc tôi nhận ra mình còn biết quá ít, nói thẳng là “ngây thơ, chả biết cái *** gì cả!”.

Nhìn vào câu chuyện của tôi các bạn sẽ thấy tôi đã hơn 1 lần chịu ảnh hưởng của Hiệu ứng Dunning Kruger.

Hiệu ứng Dunning Kruger là một sự lệch lạc nhận thức (cognitive bias) trong đó những người năng lực kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản năng lực nhận thức (metacognitive: nhận thức về nhận thức) về chính những sai lầm đó. Do đó, những người có kỹ năng kém chịu ảnh hưởng của ảo tưởng tự tôn (illusory superiority), đánh giá những kỹ năng của họ trên mức trung bình, trên mức thực tế; trong khi những người có kỹ năng cao lại đánh giá thấp năng lực của họ, chịu ảnh hưởng của ảo tưởng tự ti (illusory inferiority).

Dunning-Kruger được đặt theo tên hai giáo sư tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, người đã đưa ra báo cáo chính thức về hiệu ứng này vào năm 1999 và đạt giải Nobel về tâm lý học năm 2000.

image-1616576462783.png
Hình minh hoạ Hiệu ứng Dunning-Kruger Effect (Ảnh nguồn từ Internet)

Hiệu ứng Dunning Kruger mô tả về mối tương quan giữa sự hiểu biết của một người về một lĩnh vực và mức độ tự tin của họ trong lĩnh vực đó. Cụ thể, Dunning và Kruger mô tả quá trình này diễn ra trong 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Khi bạn chưa biết gì về lĩnh vực X thì mức độ tự tin của bạn bằng 0.
  • Giai đoạn 1: Khi bạn bắt đầu có chút kiến thức về lĩnh vực X, bạn thường có xu hướng lầm tưởng là mình đã rất giỏi trong lĩnh vực ấy. Bạn rất tự tin về những phát biểu của mình, hay thậm chí đi chỉ dạy người khác. Giai đoạn này đạt đỉnh tại Peak of Mt. Stupid – Đỉnh cao của ngu ngốc.
  • Giai đoạn 2: Nếu bạn vẫn tiếp tục học hỏi, sự tự tin này ngay lập tức rớt xuống gần như bằng không. Giai đoạn này gọi là Valley of Despair – Thung lũng của sự thất vọng.
  • Giai đoạn 3: Khi bạn tiếp tục nghiên cứu, sự hiểu biết sẽ tăng – cùng với đó kéo theo sự tự tin của bạn. Giai đoạn này gọi là Slope of Enlightenment – Con dốc của sự khai sáng.
  • Giai đoạn 4: Khi bạn tiếp tục đào sâu nghiên cứu, bạn trở thành một chuyên gia, am hiểu tường tận lĩnh vực đó. Lúc này sự tự tin cũng sẽ tăng đến một mức độ ổn định. Giai đoạn này gọi là Plateau of Sustainability – Cao nguyên của sự bền vững.

Tôi đã nhiều lần ở giai đoạn 1, từ khi mới loi nhoi làm Leader thì nghĩ rằng mình có tố chất giỏi quản lý, sản phẩm; cho đến khi làm công ty thì nghĩ rằng mình giỏi quản trị, chiến lược, đầu tư. Tôi nắm được lý thuyết nhưng thiếu tính bối cảnh, thiếu trải nghiệm. 

Hiệu ứng này phần lớn những người trẻ đều dễ dàng gặp phải, đặc biệt các bạn trẻ có tư duy tốt tốt một chút, những người có khả năng học hỏi nhanh.
Tôi nghĩ rằng, trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần chịu ảnh hưởng của hiệu ứng này. Bản thân tôi đã biết đến lý thuyết về hiệu ứng này từ rất lâu rồi nhưng vẫn bị mắc nhiều lần.

Lấy thêm ví dụ gần gũi vỡi công việc quản lý hơn: khi bạn mới học về Lập kế hoạch, bạn sẽ có xu hướng nghĩ rằng cách lập kế hoạch mà mình vừa học là tốt nhất rồi, nhìn đâu cũng thấy cách áp dụng cách làm đó. Nhưng với một người chuyên gia về Lập kế hoạch thì họ biết tầm 5-7 cách Lập kế hoạch, và họ thừa nhận rằng có thể còn hàng chục cách khác nữa mà họ chưa khám phá ra, chính vì thế họ sẽ rất cẩn trọng trong quá trình sử dụng và chia sẻ về những gì họ biết.

Nói đến đây, nếu bạn đang nghĩ kiểu như “Ồ mình đã rơi vào trạng thái này nhiều lần, không rõ hiện tại mình có đang bị tự tin quá không?” thì xin chúc mừng bạn, có thể bạn đã “xuống núi” và ở đâu đó ở phía bên phải biểu đồ. Và ngược lại, nếu bạn đang nghĩ “Mình chưa dính vụ này bao giờ, mình lúc nào cũng khiêm tốn mà” thì rất có thể bạn “sắp lên đỉnh” đó :))

Gần đây khi làm việc với một số các bạn trẻ, thông minh, nhanh nhẹn; tôi lại phần nào nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó. Rất nhiệt huyết, cá tính, thẳng thắn. Điều này làm tôi có cảm xúc khá tích cực. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy “lo lắng” vì thực sự cảm giác “bịch!” rơi từ “Đỉnh cao của sự ngu ngốc không hề dễ chịu, thậm chí một số người vì quá sốc mà không thể đứng dậy được.

Hi vọng rằng, với việc biết rằng có tồn tại một Hiệu ứng tâm lý như vậy sẽ giúp chúng ta bớt chủ quan hơn, giúp chúng ta hạ thấp bớt độ cao của Peak of Mt. Stupid để khi “rơi” cũng “êm ái” hơn, và quan trọng hơn giúp chúng ta cởi mở và học hỏi được nhiều hơn những điều tuyệt vời tồn tại xung quanh ta.

PS: Ngay lúc tôi đang viết bài này tôi cũng lo không rõ những hiểu biết của mình có đủ chính xác chưa nữa, nhưng hi vọng là hữu ích với mọi người! 😂

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *