Đây là một vài trường hợp điển hình của hiện tượng này:
- Ai cũng biết Mai là một người cực kỳ tích cực – cho đến khi cô bắt đầu kể về bản thân mình, cô luôn thấy thất vọng vì chính bản thân mình.
- Thảo thường xuyên nhận được giải thưởng lãnh đạo ở công ty, nhưng khi ở nhà thì cô lại là một kẻ độc tài to tiếng khiến chồng con cô luôn cảm thấy bị chèn ép.
- Huyền là kiểu người bạn đáng tin cậy mà bạn luôn muốn ở cạnh khi có chuyện cần tâm sự. Nhưng khi nói chuyện hằng ngày với những người mà cô không mấy quen biết, thì hoặc là cô không chịu mở miệng, hoặc là cô nói quá nhiều, hoặc buột miệng nói những chuyện nhỏ nhặt không liên quan cho đến khi cả người lạ đi ngang qua cũng cảm thấy xấu hổ.
Nhiều người trong chúng ta có EQ cao ở một vài khía cạnh nhưng lại thể hiện kỹ năng xã hội thảm hại ở những khía cạnh khác. Chúng ta có vẻ đang sống và thích nghi tốt rồi đột nhiên thấy bản thân bối rối và sợ hãi với “bãi mìn cảm xúc”.
Quá trình hình thành một bãi mìn cảm xúc
Chúng ta hình thành những mối quan hệ lành mạnh qua một quá trình quan sát, giao tiếp và kiểm tra. Khi mới quen một người hay một nhóm bạn, chúng ta quan sát hành vi của họ, thể hiện quan điểm của bản thân và để ý những phản hồi sau đó. Nếu chúng ta làm vậy và vẫn giữ được sự tự tin, cảm giác an tâm và khiêm tốn về bản thân, thì xin chúc mừng: đó là mối quan hệ hữu ích.
Vấn đề là không phải ai cũng luôn cảm thấy tự tin và an tâm; chúng ta đều có nỗi sợ, đôi khi ngay cả bản thân ta cũng không nhận thấy. Bãi mìn cảm xúc hình thành bất kỳ khi nào ta gắn hành động của mình với nỗi sợ. “Ngòi nổ” cảm xúc được hình thành khi ta trải qua chuyện đau khổ – những trải nghiệm làm tổn thương ta và những câu chuyện mà ta gắn liền với những trải nghiệm này.
Ngòi nổ hoạt động như thế này: Gần như mọi thứ đều có thể làm tổn thương cảm xúc của ta – từ lần bị ngược đãi thật đáng sợ cho đến một bình luận mà ta hiểu nhầm rằng đó là lời chỉ trích. Và khi bị tổn thương, ta có xu hướng khơi lại nỗi đau đó vào lần xảy ra tình huống tương tự. Lúc này, cảm giác lo lắng khiến ta căng thẳng, dẫn đến việc ta phản ứng kỳ lạ hoặc thái quá. Rồi sớm thôi, ta sẽ rơi vào một bãi mìn cảm xúc.
Chẳng hạn, mẹ của Mai ngưỡng mộ bản thân đến mức tự cho mình hơn người khác, thậm chí đối với cả Mai. Bất kỳ khi nào Mai nỗ lực để đạt thành công nào đó, mẹ cô liền giết chết hy vọng của con bằng những lời phê bình lạnh lùng. Để tránh bị tổn thương, Mai trở nên cực kỳ bi quan về bản thân.
Chấn thương tâm lý của Thảo đến từ ông bố quân nhân của cô, người đã nuôi dạy con cái giống y như cách ông huấn luyện quân sĩ. Những lời la hét ra lệnh của cha và việc không thể gần gũi về mặt tình cảm với cha khiến Thảo tuyệt vọng trốn chạy đến trường học, nơi có giáo viên dễ mến và đầy khích lệ. Giờ đây, cô bắt chước một cách vô thức hành vi làm việc chuyên nghiệp từ các giáo viên và hành vi làm mẹ từ người cha – do vậy khả năng lãnh đạo của cô thì được khen thưởng còn hành vi làm mẹ của cô lại khiến gia đình cô kinh sợ.
Huyền thích đọc sách từ bé và có vốn từ vựng “già trước tuổi”. Người lớn thì thích điều đó, nhưng những đứa bạn đồng trang lứa thường chế giễu cô là mọt sách. Đến giờ cô vẫn sợ rằng nếu cô nói chuyện theo cách tự nhiên của mình thì cô sẽ bị ghét bỏ. Bất kỳ nỗ lực nào để nói chuyện thân thiện đều khiến cô bị líu lưỡi hoặc nói lỡ lời.
- Mai không hiểu tại sao việc hy vọng lại khiến cô lo lắng.
- Thảo sợ hãi khi những từ ngữ hà khắc của cha lại tuôn ra khỏi miệng cô và hướng vào bọn trẻ.
- Huyền không hiểu tại sao việc trò chuyện lại khiến cô lo sợ.
Hầu hết chúng ta không thật sự nhận ra được nguồn gốc cụ thể của những ngòi nổ cảm xúc. Nhưng ta biết rõ những trường hợp chung chung thường khiến ta tức điên lên hoặc suy sụp.
Hãy thử làm thế này: Hình dung sơ qua các tình huống xã hội mà bạn có thể gặp phải trong những ngày còn lại của tuần, Hãy hình dung khi cơ thể bạn căng thẳng là khi bạn rơi vào bãi mìn cảm xúc. Hàm, vai, cổ họng của bạn, bất cứ chỗ nào, có thể siết chặt lại. Nếu không có gì trong tưởng tượng của bạn gây ra phản ứng này, xin chúc mừng: Bạn không gặp bãi mìn nào trong tuần này cả. Nhưng nếu cứ cảm thấy tình trạng này, thì đây là lúc để hành động đấy.
Tin tốt là bãi mìn này có thể được gỡ bỏ. Đúng thế, đó là một quá trình diễn ra chậm và cần nhiều công sức, nhưng nếu bạn đã mệt mỏi với cuộc sống thảm hại thì nó rất đáng để bạn nỗ lực.
Cách “gỡ mìn”
Trong thực tế, gỡ mìn là một việc hết sức nguy hiểm, bạn có thể mất tay chân hoặc cả mạng sống. Nhưng ngày nay, một đội quân nhỏ gồm những chuyên gia gỡ mìn hiệu quả sẽ giúp bạn làm việc này một cách an toàn hơn. Ý tôi là một đội quân tí hon. Mỗi chiến binh chỉ nặng khoảng vài kí. Đó là những con chuột có túi khổng lồ châu Phi. Được trang bị một bộ cương nhỏ và được trả công chỉ bằng chuối, những con chuột này di chuyển dọc theo đường dây cáp, đánh hơi được mìn mà không làm mìn phát nổ.
Đội quân này có tên là HeroRAT – RAT gồm các chữ cái đầu tiên của những cách giúp bạn nhớ làm sao để gỡ mìn cảm xúc của chính bạn.
R trong Recognize (Nhận ra)
Chúng ta thường nhầm lẫn những ngòi nổ cảm xúc của mình là không ổn với xã hội chứ không phải với bản thân. Nhưng bạn không thể sửa sai nếu không nhìn nhận vấn đề đúng với bản chất của nó.
- Nếu Mai không bao giờ nhận thấy thái độ bi quan của cô thật sự vô lý đến mức nào, cô sẽ vẫn tiếp tục tin rằng tương lai của mình thật ảm đạm.
- Nếu Thảo không nhận ra mình độc tài đến mức nào, có lẽ cô sẽ vẫn đổ lỗi cho gia đình là đã quá nhạy cảm.
- Nếu Huyền không xem sự kỳ cục trong cách trò chuyện của cô là một hành vi mà cô có thể sửa đổi, thì cô sẽ chẳng bao giờ học được cách thư giãn và kể chuyện.
May thay, dù hiếm khi nhận ra những gì đang xảy ra với bãi mìn cảm xúc của mình, chúng ta thường nhận thức được một chút sự tồn tại của nó. Nếu bạn tự hỏi, “Tại sao mình luôn [nói quá nhiều ở các bữa tiệc/tức giận với em gái/la hét những tài xế khác mặc dù làm vậy chẳng giúp ích được gì mà còn khiến mình bị bắt]?”, thì bạn có thể đã có sự bùng nổ về mặt tâm lý mà ẩn chứa bên dưới là nhận thức về bãi mìn này. Khi nhận ra được nó, bạn có thể bắt tay vào xử lý những ngòi nổ cảm xúc nguy hiểm.
A trong Analyze (Phân tích)
Việc phân tích hành vi không mong muốn giúp bạn phát hiện ra cảm xúc đã khơi dậy hành vi đó trong những trường hợp hoặc mối quan hệ cụ thể. Nhận trị liệu là một cách tuyệt vời để bạn hiểu hơn về ngòi nổ cảm xúc của mình, nhưng bạn vẫn có thể tự giúp đỡ bản thân trong lúc cấp bách. Trước tiên, hãy nhớ lại lần gần nhất bạn có hành động ngu ngốc hay độc ác hay xấu hổ mà bạn luôn làm. Sau đó, hãy suy nghĩ thật chậm lại, và hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây:
1. Mình cảm thấy như thế nào ngay trước khi cư xử tệ như vậy?
Hãy dành chút thời gian và trung thực với bản thân. Có thể lúc đó bạn đang trải qua những cảm xúc mà bạn xem nhẹ như giận dữ hoặc sợ hãi. Hãy tử tế với bản thân và để những cảm xúc xuất hiện.
2. Suy nghĩ nào của mình liên quan tới cảm giác đó?
Đối với Mai, cảm giác hy vọng khiến cô lo lắng và có những suy nghĩ như “Đừng có kiêu ngạo!” và “Hãy nhìn Quý-Cô-Tự-Mãn kìa!” Thảo cảm thấy rất giận dữ ở nhà, cô có những suy nghĩ “Mạnh mẽ lên, chết tiệt! Đừng yếu đuối như thế!” Khi Huyên nghĩ về việc tham gia vào một cuộc trò chuyện, cô cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ, “Không ai thích mình cả” và “Mọi người nghĩ mình kỳ cục”.
3. Những suy nghĩ đó bắt đầu khi nào?
Bạn có thể nhớ về một trải nghiệm đau khổ cụ thể nào đó, hoặc bạn có quá nhiều những kỷ niệm đau khổ đến nỗi tất cả hòa vào nhau. Nhưng bạn sẽ nhớ được bối cảnh chung – chuyện gì đã xảy ra, ai đã ở đó và bạn bị tổn thương như thế nào.
4. Mình có muốn cứ tiếp tục lặp lại nỗi đau khổ đó không?
Nói thật, bạn có thật sự muốn những người xấu tính, khó ưa nhất trong tuổi thơ của bạn tiếp tục thống trị cuộc sống của bạn không? Người mẹ tự cao, người cha to tiếng, những cô bạn xấu tính ở cấp ba? Tôi không nghĩ vậy.
T trong Tranquil Eyes (Bình tĩnh quan sát)
Vì tất cả những ngòi nổ gây tổn hại đều dựa trên nỗi sợ hãi, do đó việc giảm nỗi sợ – nói cách khác là bình tâm – luôn cần thiết để loại bỏ những bãi mìn cảm xúc. Mặc dù những loại thuốc an thần có thể giúp ích, nhưng vẫn tốt cho gan của bạn hơn nếu bạn chỉ nghĩ về những việc liên quan đến ngòi nổ cảm xúc. Sau đó, bạn có thể đón nhận những tình huống nhạy cảm trước đó với cái nhìn bình tĩnh, điều này thậm chí còn tốt hơn là thuốc.
Để bắt đầu quá trình bình tĩnh quan sát sự việc, hãy tưởng tượng bạn đang bước vào giai đoạn đầu của câu chuyện khiến bạn tổn thương. Nếu sự bắt nạt xuất hiện, như mẹ của Mai, cha của Thảo, hay bạn cùng lớp của Huyền, hãy rời khỏi những người đó. Sau đó, hãy tưởng tượng bạn ngồi với chính bạn đang bị tổn thương, và nói những điều mà bạn sẽ nói với người bạn thân thiết cũng bị tổn thương theo cách tương tự. Những lời nói đúng đắn sẽ giúp bạn tìm được sự bình tâm. Hãy tiếp tục tìm kiếm đến khi bạn tìm được. Sau đó, tiếp tục thường xuyên lặp lại những lời đó trong tâm trí. Cũng rất có ích nếu bạn viết ra.
Khi bạn đã cảm thấy bình tĩnh hơn một chút, hãy xem xét những tình huống khơi dậy các cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hiện tại của bạn, rồi liệt kê những điểm khác biệt giữa những tình huống đó với những bi kịch từng làm bạn tổn thương. Bạn sẽ phát hiện những điểm tương đồng, nhưng đừng tập trung vào đó mà hãy hướng toàn bộ sự chú ý của bạn vào phần khác biệt. Một lần nữa, tôi khuyên bạn viết ra một danh sách.
Cuối cùng, hãy tưởng tượng bản thân bạn bước qua bãi mìn cảm xúc mà không sợ hãi gì. Không lo lắng, không sợ hãi, không hoảng loạn, không căng thẳng. Hãy tưởng tượng tình huống nhiều lần, dừng lại thường xuyên để thư giãn và giải phóng hết nỗi sợ. Không ai nói gỡ mìn là một việc nhanh chóng và dễ dàng cả. Nhưng rất đáng để bạn sống một cuộc đời vắng bóng những ngòi nổ cảm xúc.
Trở về hiện thực
Nếu lặp đi lặp lại quá trình nhận thức, phân tích và bình tĩnh quan sát bãi mìn cảm xúc, bạn sẽ dần phát hiện ra rằng bạn không còn tạo ra nhiều tình huống gây chấn thương tâm lý hoặc phản ứng quá dữ dội nữa. Những hành vi tiêu cực của bạn sẽ giảm và ít nghiêm trọng hơn. Cách này có hiệu quả với Mai, người đã lạc quan hơn về tương lai. Tại nhà của Thảo, việc gỡ mìn đã giúp có ít tiếng la hét hơn và nhiều tiếng cười hơn. Và Huyền, với sự giúp đỡ của nhà trị liệu, đang dần dần nói chuyện nhiều hơn. Một ngày nào đó, bạn cũng sẽ thấy mình gặp phải ngòi nổ tương tự – và hãy bình tĩnh chọn cách phản ứng khôn ngoan hơn. Cuối cùng, thậm chí bạn còn có thể trở thành một chuyên gia gỡ bỏ những tình huống gây tổn hại trước khi ai đó bị tổn thương. Bạn sẽ biến thế giới thành một nơi an toàn hơn.
Ứng dụng trong Lãnh đạo và Quản lý
Bất kỳ ai trong chúng ta đều có những nỗi sợ tiềm ẩn ở bên trong, những nỗi sợ này được hình thành ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, nó giống như 1 vết sẹo trong tâm hồn. Đó chính là lí do vì sao trong một số trường hợp đồng nghiệp, nhân viên hay chính chúng ta có những phản hứng thái quá.
Nhìn nhận được điều này, giúp chúng ta hiểu và đồng cảm hơn với chính mình và những người xung quanh, từ đó trước hết là tránh được những quả mìn, và không để chúng làm ảnh hưởng đến công việc chung. Xa hơn chúng ta cũng hoàn toàn có thể giúp mình và đồng đội “gỡ mìn”.
(Tổng hợp biên soạn từ nhiều nguồn).