Lãnh Đạo có thực sự tốt hơn Quản lý?

Một cách hiểu phổ biến là Lãnh đạo (Leadership, Leader) tách biệt và cao cấp hơn Quản lý (Management, Manager). Cách hiểu này làm sai bản chất của công việc quản lý/quản trị cũng như làm giảm hiệu quả của công việc lãnh đạo.

Một mô tả với hàm ý so sánh khá phổ biến về Lãnh đạo và Quản lý là: Nhà lãnh đạo (Leader) làm đúng việc (do right things), còn Nhà quản lý (Manager) thì làm việc đúng cách (việc mà lãnh đạo hoạch định) (do things right). Cách mô tả này nghe “có vẻ hợp lý” cho đến khi bạn thử tách biệt 2 công việc phía trên ra. Bạn có thể “làm đúng việc” mà không “làm việc đúng cách” không?

Một mô tả khác nữa là Nhà Lãnh Đạo thì có nhiệm vụ Nghĩ (Think), còn Nhà Quản Lý thì cần Làm (Do) nhiều hơn. Cách mô tả này khiến cho một bộ phận “Lãnh đạo” trở nên “lười làm”, chủ yếu “chỉ tay năm ngón”; và một bộ phận “Quản lý” trở nên “lười nghĩ”, chủ yếu chờ cấp trên hoạch định mục tiêu để mình “làm”.

Một hiểu lầm khác nữa là “Quản lý” đồng nghĩa với “quản lý tiểu tiết”, còn “Lãnh đạo” là đồng nghĩa với “truyền cảm hứng”. Cách hiểu này khiến cho hình ảnh của những Nhà quản lý giống như một người “quản thúc, đốc công” (vai ác). Còn “Lãnh đạo” thì giống như những “Lãnh tụ” cuốn hút, kính mến (vai thiện).

Mình đã chứng kiến rất nhiều trường hợp hiểu theo kiểu này, thậm chí phân bổ công việc, vai trò theo kiểu này. Hệ quả là:

– Những người được coi là “Lãnh đạo” thì chủ yếu “vẽ vời” trên mây, chân không chạm đất, lý tưởng ngút trời, hừng hực khí thế, nghĩ rằng “làm phát ăn ngay”!

– Nhưng, những người được coi là “Quản lý” thì không biết phải làm gì, thậm chí hiểu tầm nhìn của “Lãnh đạo” một cách máy móc, nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.

– Và, “Lãnh đạo” không thực sự hiểu “chuyện gì đang xảy ra ở ngoài thực địa”, thậm chí không quan tâm lắm.

– Và, “Quản lý” không biết cách hoặc không thể khiến cho “Lãnh đạo” hiểu những khó khăn của mình.- Nói chung là, “Lãnh đạo” và “Quản lý” không thể cộng tác để tạo ra kết quả

– Cuối cùng, “Lãnh đạo” bảo: Quản lý dốt, thực thi kém, nguồn lực, đường hướng vẽ ra hết rồi mà không làm được!

– Còn, “Quản lý” lại bảo: Lãnh đạo dốt, định hướng kém, mỗi lúc một kiểu, không nhất quán!(Các công ty nhóm 1)

Ngược lại mình cũng đã từng thấy những Chủ tịch, Giám đốc (những người vẫn hay được coi là “Lãnh đạo”) vẫn đi gặp khách hàng để phỏng vấn nghiên cứu sản phẩm, vẫn cùng anh em phân tích rủi ro, lập kế hoạch, brainstorming; còn những Quản lý cấp trung lập tầm nhìn, truyền cảm hứng cho anh em rất tốt, thậm chí truyền cảm hứng cho cả “Lãnh đạo”.(Các công ty nhóm 2)

Có người nói là “à vì công ty bé nên chủ tịch vs giám đốc phải làm là đúng rồi”. Dựa trên quan sát cá nhân và những cases trong quá trình mình làm việc, nghiên cứu cũng như tư vấn và huấn luyện cho các doanh nghiệp thì nếu xét về phạm vi hoạt động, quy mô, doanh thu, lợi nhuận, sự ổn định về dòng tiền.. giữa hai nhóm công ty mình nhắc đến phía trên thì những công ty nhóm 2 hầu hết tốt hơn nhiều so với các công ty nhóm 1.Ở đây mình không muốn lan man mà chỉ muốn tập trung bàn về cách hiểu về vai trò “Lãnh đạo” và “Quản lý”.

Vậy thực sự thì mối liên hệ giữa “Lãnh đạo” và “Quản lý” là gì? Nên hiểu thế nào để giúp Doanh nghiệp, đội nhóm trở nên hiệu quả hơn (theo góc nhìn quản trị)?

Bạn đã bao giờ được quản lý bởi một người không “lãnh đạo” chưa? Điều đó hẳn sẽ tồi tệ khủng khiếp vì bạn sẽ bị coi như một cái máy hoặc một tên nô lệ.

Còn nếu bạn được lãnh đạo bởi một người không “quản lý” thì sao? Người đó chắc hẳn không thể hiểu nổi chuyện gì đang và sắp xảy đến với bạn và chính họ.

Trước hết cần phân biệt giữa “Con người”, “Vai trò” và “Công việc”.

Lãnh đạo (Leadership), Quản lý/quản trị (Management) là Công việc. Nói đến những hành động, chức năng.

Nhà lãnh đạo (Leader), Nhà quản lý (Manager) là Con người. Nói đến một ai đó đang làm hoặc đảm nhiệm công việc Lãnh đạo hoặc Quản lý.

Lãnh đạo (Leader), Quản lý (Manager) cũng có thể được coi là các Vai trò. Nói đến một vị trí giữ một nhiệm vụ cụ thể trong một tập thể. Ví dụ:

– Trong một đội bóng thì Thủ môn, Tiền đạo là những Vai trò có những nhiệm vụ khác nhau

– Trong một lớp thì có Lớp trưởng, Lớp phó, Thủ quỹ là những Vai trò có những nhiệm vụ khác nhau

– Trong gia đình tôi, Tôi vừa là Con, vừa là Chồng, vừa là Bố, vừa là Anh cả.Một người có thể kiêm nhiệm nhiều Vai trò.

Lãnh đạo (Leadership) và Quản lý (Management) là 2 khái niệm khác nhau và không thể dùng thay thế cho nhau được:

LÃNH ĐẠO (LEADERSHIP) LÀ LÀM GÌ?

Theo từ điển thì leadership được hiểu là “hành động dẫn dắt, dẫn đầu một nhóm người hoặc một tổ chức”, hay chúng ta có thể hiểu theo cách khác leadership là “có một tầm nhìn và truyền cảm hứng để những người khác hỗ trợ hoặc cùng thực hiện tầm nhìn đó.”.

Peter Drucker nói rằng: “The only definition of a leader is someone who has followers”, tạm dịch là “Định nghĩa duy nhất của một leader đó là một người có những người đi theo”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì chúng ta có thể thấy có 2 đặc trưng của một người được xem là Leader đó là việc có 1 tầm nhìn (Vision) và có khả năng truyền cảm hứng (Inspiring) cho những người khác để họ hành động hướng tới tầm nhìn đó.

Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng có thể đóng vai trò Leader nếu họ có một tầm nhìn và có những người đi theo (không cần biết tầm nhìn của bạn là tốt hay xấu, phạm vi nhỏ hẹp hay rộng lớn). Ví dụ gần gũi:

– Khi còn đi học, bạn trốn học và rủ được thêm vài đứa bạn trốn cùng để đi làm trận game cho vui – Bạn đứng ra thành lập đội bóng ở công ty và kêu gọi mọi người trong công ty tham gia sinh hoạt đội bóng để cải thiện sức khoẻ

– Bạn có một ý tưởng kinh doanh và kêu gọi anh em bạn bè hùn vốn cùng làm để cùng làm giàu

– .v.v

Nếu theo định nghĩa này thì có vẻ Leadership có phần chưa đủ “sức mạnh” để có thể đặt “một mình” trong bối cảnh của một tổ chức/doanh nghiệp.

QUẢN TRỊ/QUẢN LÝ (MANAGEMENT) LÀ LÀM GÌ?

Mary Parker Follett – được biết đến như “Mẹ đẻ của khoa học quản trị hiện đại”, bà cho rằng “quản trị là nghệ thuật đạt được mục đích thông qua người khác” (Nguyên văn: “Management is the art of getting things done through people”).

Theo ý hiểu của tôi trong cuốn The Essential Drucker của Peter Drucker thì Quản trị là các hoạt động kết hợp năng lực của con người và vận dụng những nguồn lực có thể có để đạt được mục tiêu của tổ chức một cách tối ưu.

Còn theo mô hình P-O-L-C mà Mason Carpenter đưa ra (kế thừa của Henry Fayol) thì chức năng của Quản trị bao gồm:

– Planning: Lập kế hoạch

– Orgarnizing: Tổ chức

– Leading: Lãnh đạo

– Controlling: Kiểm soát

Một học giả nổi tiếng khác là Henry Mintzberg thì đưa ra 10 vai trò của quản lý, chia thành 3 nhóm lớn:

1/ Vai trò Liên cá nhân (Interpersonal Roles)

2/ Vai trò Thông tin (Informational Roles)

3/ Vai trò Ra quyết định (Decisional Roles)

Trong đó có một vai trò là “Leader” thuộc nhóm 1/ Vai trò Liên cá nhân. Ông nói rằng: “Tôi cho rằng lãnh đạo là một phần hấp dẫn và nhiều cảm hứng của quản trị”, “Lãnh đạo là một phần quan trọng của quản trị nhưng có nhiều thứ cần bàn trong quản trị chứ không chỉ mỗi lãnh đạo”.

TẠM KẾT

Bạn có thể thấy rõ rằng Quản trị là xoay quanh con người, như vậy nếu xét trong phạm vi Quản trị thì Leading hay Leadership là một công việc “không thể thiếu” thuộc phạm vi của Quản trị, thuộc nhiệm vụ của Nhà Quản lý. Đồng nghĩa với việc những so sánh mang tính “dìm hàng” vai trò Quản lý (Manager), hoặc đặt Quản lý hạ cấp hơn Lãnh đạo là không đúng bản chất.

Những mô tả đó chỉ đang nói về một nhóm những Nhà quản lý thiếu năng lực Lãnh đạo mà thôi.

Muốn làm tốt công việc Quản lý thì cần biết Lãnh đạo, và ngược lại muốn Lãnh đạo tốt thì cần biết Quản lý.

Tất nhiên Lãnh đạo (Leadership) vẫn xứng đáng để được tách riêng thành một chủ đề được nghiên cứu và bàn tán sôi nổi với rất nhiều những cách tiếp cận, trường phái khác nhau. Có thể mình sẽ bàn thêm vào dịp khác.

Quay trở lại với câu nói kinh điển của Peter Drucker (ông được xem là “cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại”): “Management is doing things right; leadership is doing the right things.”. Nếu thực sự hiểu rõ bản chất của quản trị thì sẽ thấy tuyên bố này cũng không sai, chỉ có cách hiểu và cách diễn giải đang được “lưu truyền” phổ biến thì hơi gây nhiễu tí ? (Họ thay Management bằng Manager, thay Leaderhip bằng Leader, họ đảo vị trí, và họ giải thích theo cách họ muốn người nghe hiểu, … để bán những sản phẩm mà họ muốn bán..).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *