Trong bản khảo sát năm 2020 của McKinsey (McKinsey Global Survey), 87% lãnh đạo thừa nhận lỗ hổng về kỹ năng trong lực lượng lao động của họ – nhưng chỉ có một nửa trong số họ có một kế hoạch rõ ràng để đối mặt với thách thức này.
Sự khủng hoảng do đại dịch Covid-19 khiến cho vấn này trở nên cấp bách hơn. Chưa bao giờ các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi và học hỏi như giai đoạn này, từ việc học cách sử dụng công nghệ để làm việc tại nhà, đến việc lập kế hoạch và cộng tác từ xa qua các phòng họp ảo. Trên thực tế có rất nhiều công ty không bắt kịp vì nhân sự của họ thiếu những kỹ năng liên quan. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại cần những nhân sự có năng lực thích nghi như thời điểm này.
Trước đây các doanh nghiệp rất trọng dụng những nhân sự chỉ giỏi sâu chuyên môn (specialist), và cũng có những thời điểm xu hướng tuyển dụng những nhân sự chỉ biết rộng (generalist) để linh hoạt trong tổ chức.
Tôi cho rằng, đây là thời điểm mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có những nhân sự có khả năng học hỏi và thích nghi, một kiểu nhân sự “lai” giữa specialist và generalist. Trong khi những nhân sự generalist cái gì cũng biết nhưng đều không giỏi, còn nhân sự specialist thì chỉ giỏi duy nhất 1 lĩnh vực, thì những nhân sự T-shaped là những người rất giỏi trong ít nhất một lĩnh vực nào đó và có hiểu biết và kỹ năng của một số những lĩnh vực liên quan.
Giải thích một chút về khái niệm T-shaped cho những bạn chưa biết. T-shaped là khái niệm được Tim Brown (CEO của IDEO) đưa ra, đường dọc của chữ T thể hiện sự hiểu biết sâu về chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định, và đường ngang của chữ T thể hiện độ rộng về hiểu biết cũng như năng lực cộng tác trong các lĩnh vực khác.
Các đặc điểm của một nhân sự T-shaped
- Giỏi ít nhất một lĩnh vực chuyên môn
- Có hiểu biết và kỹ năng của một số lĩnh vực liên quan
- Có thể cộng tác tốt với mọi thành viên trong nhóm/tổ chức
- Có thể dễ dàng tìm hiểu và hoàn thành một nhiệm vụ mới (độ khó vừa phải)
- Có kỹ năng giao tiếp và cộng tác tốt trong các nhóm liên chức năng
- Có tư duy giải quyết vấn đề một cách hệ thống (ít nhất trong phạm vi dự án/nhóm)
Ví dụ – Trong một nhóm phát triển sản phẩm công nghệ
Để tạo ra sản phẩm, nhóm cần có các thành viên có năng lực như: Thu thập và phân tích yêu cầu, Thiết kế giao diện, Thiết kế trải nghiệm, Lập trình, Kiểm thử, Vận hành hệ thống.
Thông thường nếu thành viên nhóm là các specialist thì Lập trình viên sẽ không quan tâm đến việc Nhà thiết kế, tương tự Người kiểm thử sẽ không quan tâm đến việc lập trình cho đến khi được bàn giao để kiểm thử lỗi. Thực ra thì cũng không hẳn là họ không quan tâm mà thực tế là họ không có đủ hiểu biết để quan tâm. Cũng giống như những người nói những ngôn ngữ khác nhau thì sẽ không hiểu được nhau. Việc này khiến cho năng lực nhóm không thực sự được phát huy.
Nếu thành viên nhóm là những người T-shaped, họ sẽ có chung hiểu biết nền tảng về phát triển sản phẩm công nghệ, bao gồm tất cả các giai đoạn, họ có cùng ngôn ngữ, do đó họ dễ dàng thảo luận, cùng lên ý tưởng, và thậm chí có thể cùng làm hoặc hỗ trợ công việc cho nhau khi cần thiết. Những Lập trình viên có thể thực hiện cả phần lập trình giao diện lẫn logic, và vận hành hệ thống. Họ cũng thể tham gia quá trình thiết kế và lên ý tưởng UX, từ đó họ hiểu rõ luồng nghiệp vụ và có thể chuẩn bị phương án kỹ thuật trước khi có mẫu thiết kế.
Doanh nghiệp cần nhân sự T-shaped để đổi mới sáng tạo
Trong thời đại mới, phần lớn công việc đều cần đến sự cộng tác và khả năng thích nghi liên tục, các doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh bằng cách đổi mới sáng tạo thay vì chạy đua năng suất.
Ý tưởng tốt thường là sự tổng hoà của các góc nhìn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, khi đó các doanh nghiệp cần có những đội nhóm nghiên cứu, sáng tạo với những chuyên môn khác nhau kết hợp với nhau, và để họ cộng tác tốt họ cần hiểu những người còn lại đang làm gì, nói gì. – đó là lúc những hiểu biết rộng phát huy. Những nhân sự T-shaped sẽ là người giúp tổ chức của bạn tăng tốc quá trình sáng tạo, bởi vì họ có năng lực nhìn nhận vấn đề tổng quan, đồng thời có năng lực thực thi chi tiết.
—
Tuy nhiên, phát triển năng lực theo hướng T-shaped thôi là chưa đủ:
- Đối với nhân viên, làm thế nào để xác định được hướng phát triển phù hợp với bản thân và công việc?
- Đối với quản lý/trưởng nhóm, làm thế nào để giúp đội nhóm có không gian và thời gian phát triển năng lực theo hướng T-shaped mà vẫn đảm bảo hiệu suất công việc?
- Đối với doanh nghiệp, làm thế nào để xây dựng văn hoá học tập trên toàn tổ chức?
Tất cả những câu hỏi phía trên sẽ được trả lời trong các bài viết tiếp theo, cùng đón đọc các bạn nhé.